Liên quan tới việc nhiều ý kiến phản hồi cho rằng đình chỉ công tác giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 8 là không hợp lý hay liệu có xảy ra hiện tượng “trù dập” giáo viên trong vụ nữ sinh lớp 8 bị đánh suốt 2 năm. Ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện Phú Bình khẳng định: “Không để xảy ra chuyện “trù dập” GVCN”.
Giáo viên đã “vào cuộc”
Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về vụ việc nữ sinh lớp 8 bị đánh trong 2 năm, ngày 6.11, UBND huyện Phú Bình đã có quyết định tạm đình chỉ công tác để điều tra vụ việc đối với 4 cán bộ, giáo viên Trường THCS Kha Sơn là Hiệu trưởng Lê Thị Thu Ái, Phó hiệu trưởng Chu Văn Doanh, GVCN lớp 6, 7 Nguyễn Thị Chiến, GVCN lớp 8 Đỗ Thị Nhuận. Sau khi có quyết định, rất nhiều ý kiến bình luận cho rằng đình chỉ công tác của GVCN lớp 8 là không hợp lí, liệu có xảy ra hiện tượng “trù dập” giáo viên.
Được biết, cô Đỗ Thị Nhuận nhận chủ nhiệm lớp 8A, lớp em Thủy theo học, năm học 2015-2016. Sau khi nhận lớp và phát hiện clip quay cảnh đánh em Thủy trên trong điện thoại của cháu gái (học cùng Thủy kì 2, lớp 7), cô Nhuận đã nhanh chóng điều tra sự việc, trao đổi với phụ huynh và giáo dục các em học sinh.
Được biết, cô Đỗ Thị Nhuận nhận chủ nhiệm lớp 8A, lớp em Thủy theo học, năm học 2015-2016. Sau khi nhận lớp và phát hiện clip quay cảnh đánh em Thủy trên trong điện thoại của cháu gái (học cùng Thủy kì 2, lớp 7), cô Nhuận đã nhanh chóng điều tra sự việc, trao đổi với phụ huynh và giáo dục các em học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên này cũng chủ động trao đổi sự việc với GVCN lớp 6, 7 và báo cáo với thầy Hiệu phó Chu Văn Doanh. Thầy Doanh yêu cầu cung cấp clip thì mới xử lý còn nếu không có bằng chứng, tang chứng thì không xử lý.
Tuy nhiên, do điện thoại hỏng phải gửi đi bảo hành và chiếc điện thoại có clip cũng không thuộc quyền sở hữu của cô Nhuận nên cô chưa cung cấp cho nhà trường bằng chứng được. Sau đó, clip xuất hiện trên mạng xã hội.
Nói về việc giải quyết sự việc của cô Nhuận, em Thủy cho biết: “Từ khi lên lớp 8, các bạn đã không dám đánh em nữa. Chỉ có một vài lần, các bạn trêu em và cũng do em mắng các bạn”.
Còn em HD, một trong những em tham gia đánh em Thủy kể rằng khi biết sự việc, cô Nhuận đã nói trong buổi họp phụ huynh và yêu cầu các bạn viết bản kiểm điểm nên học sinh cũng không dám đánh nữa.
“Không thể trù dập được”
Trao đổi với PV báo Lao Động về ý kiến trên, ông Hoàng Thanh Giao – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thông tin “trù dập” GVCN cũng có thể xảy ra vì trong nhà trường theo tôi được nghe thông tin người ta (tập thể sư phạm nhà trường – PV) không hài lòng lắm với cách xử lý của GVCN. Nguyên nhân chính là do GVCN đã báo cáo sự việc nhưng không đưa ra được clip”.
Chủ tịch UBND huyện khẳng định chắc nịch “Không thể trù dập được” vì còn có Hội đồng kỷ luật của huyện sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng và sẽ không để hiện tượng đó xảy ra.
Theo ông Giao, hiện chưa họp Hội đồng xét kỷ luật nhưng chắc chắn hình thức kỉ luật lãnh đạo nhà trường sẽ nặng hơn vì trách nhiệm quản lý và đã được báo cáo thông tin mà không vào cuộc.
Trả lời ý kiến cho rằng có hiện tượng “trù dập” GVCN có clip và đã báo cáo đại diện Ban giám hiệu nhà trường, bà Lê Thị Thu Ái trên 5 lần khẳng định “Không có chuyện vùi dập”. Cô Ái còn nói thêm: “Lãnh đạo nhà trường nhận định cô Nhuận là người có năng lực trong công tác chủ nhiệm, chuyên môn”.
Tuy nhiên, với sự sát sao học sinh và vào cuộc như vậy, ngày 8.11, trước sự chứng kiến Hội đồng nhà trường bỏ phiếu thăm dò hình thức xử lý kỉ luật, có tới 7 phiếu yêu cầu buộc thôi việc cô Đỗ Thị Nhuận. Đối với 3 giáo viên là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và GVCN lớp 6,7 chỉ ở mức khiển trách và cảnh cáo.
Ngày 11.11, chỉ sau đó 3 ngày, theo ông Nguyễn Đình Toán - Phó Trưởng phòng GDĐT được giao phụ trách trường chủ trì Hội đồng nhà trường tiếp tục bỏ phiếu lại theo công văn 776 của Phòng GDĐT huyện và ý kiến của thường trực Huyện ủy. Lần này, có tới 18/26 phiếu hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô Đỗ Thị Nhuận.
Bà Hà Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, trực tiếp phụ trách vụ việc cho biết: “Việc bỏ phiếu chỉ là để nhà trường tự kiểm điểm, tự đề xuất hình thức kỷ luật và nhận thức sâu sắc vấn đề. Còn việc xét kỷ luật, Hội đồng kỷ luật sẽ phân tích lỗi của từng cá nhân, nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm theo quy chế, yếu tố chủ quan, khách quan. Đảm bảo đúng người, đúng trách nhiệm”.
Lãnh đạo huyện “quên báo cáo” trách nhiệm Trưởng phòng GDĐT
Trở lại báo cáo kết quả xác minh, giải quyết vụ việc báo Lao Động phản ánh hiện tượng: Bạo lực học đường tại Trường THCS Kha Sơn do UBND huyện Phú Bình gửi UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 9.11, báo cáo này không hề nhắc đến trách nhiệm của Trưởng phòng GDĐT Ngô Tiến Sinh và trách nhiệm quản lí của Phòng GDĐT.
Câu hỏi đặt ra liệu rằng UBND huyện có “quên báo cáo” hay không? Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tuy không có trong báo cáo nhưng UBND huyện đã yêu cầu làm tường trình và nhận khuyết điểm, tới đây, Hội đồng kỷ luật của huyện vẫn sẽ xem xét tổng thể.
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, nữ sinh N.T.T lớp 8A trường THCS Kha Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) bị các bạn trong lớp dồn vào góc tường và đạp, đánh, đá túi bụi, thậm chí, có cả một bạn nam đã ngồi lên đầu học sinh này. Sự việc diễn ra ngay tại lớp học nhưng từ đầu đến cuối clip, không một ai đứng ra ngăn cản dù nạn nhân chỉ biết ôm mặt khóc. Phẫn nộ hơn, hiện tượng này đã xảy ra liên tiếp trong vòng 2 năm qua.
Sau khi xác minh thông tin, PV đã cố gắng liên hệ nhiều lần với Trưởng phòng GDĐT huyện Phú Bình, lãnh đạo trường THCS Kha Sơn nhưng đều cáo “bận họp”.
Mặc dù vậy, lãnh đạo hai cấp khi chưa điều tra thông tin, chưa gặp mặt PV để trao đổi đã một mực khẳng định “Không có hiện tượng đó xảy ra”. Phía lãnh đạo cũng không hề có bất cứ cuộc liên hệ lại với PV để nắm bắt tình hình cho đến khi bài viết phản ánh được lên báo.
Nguồn: laodong.com.vn/xa-hoi/vu-nu-sinh-lop-8-bi-danh-suot-2-nam-giao-vien-chu-nhiem-lop-8-dang-tro-thanh-vat-te-than-396404.bld
Đăng nhận xét
Blogger Facebook